Tài liệu
Công nghệ mã QR là gì?
Hiện nay, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh những ô vuông bên trong có nhiều ký tự lạ chồng chéo trên các bảng quảng
cáo bên đường, hoặc nhận được các thư mời cũng chứa các ô vuông lạ này. Đó là QR Code (mã QR). Nó bắt đầu xuất hiện khắp
nơi như nhãn bìa sản phẩm, và gần như là phương thức nhận diện chủ yếu cho các ứng dụng di động.
Vậy Mã QR là gì?
QR Code, viết tắt của Quick response code (tạm dịch "Mã phản hồi nhanh") hay còn gọi là mã vạch ma trận (matrix-barcode)
là dạng mã vạch hai chiều (2D) có thể được đọc bởi một máy đọc mã vạch hay smartphone (điện thoại thông minh) có chức
năng chụp ảnh (camera) với ứng dụng chuyên biệt để quét mã vạch.
QR Code (mã QR) được tạo ra bởi Denso Wave (công ty con của Toyota) vào năm 1994, có hình dạng bao gồm các điểm đen và ô
vuông nằm trong ô vuông mẫu trên nền trắng. QR Code có thể được đọc nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và không gian so với
các loại mã vạch truyền thống.
Một mã QR có thể chứa đựng thông tin một địa chỉ web (URL), thời gian diễn ra một sự kiện, thông tin liên hệ (như
vCard), địa chỉ email, tin nhắn SMS, nội dung ký tự văn bản hay thậm chí là thông tin định vị vị trí địa lý. Tùy thuộc
thiết bị đọc mã QR mà bạn dùng khi quét, nó sẽ dẫn bạn tới một trang web, gọi đến một số điện thoại, xem một tin nhắn...
Tuy còn xa lạ với mọi người nhưng mã QR đã và đang đi vào đời sống hiện đại, hiện diện ở khắp nơi, từ những cao ốc lớn
đến những namecard trao tay, từ những thiếp mời các sự kiện công nghệ, hội thảo hay chỉ đơn giản là để nhập thêm bạn
trên BlackBerry Messenger (quét mã QR để nhận dạng số PIN).
Mã QR đang rất được giới marketing và quảng cáo chuộng dùng cho các ý tưởng quảng cáo tạp chí, trên các băng ghế công
viên, xe buýt, đóng gói sản phẩm hay bất kỳ sản phẩm vật lý nào mà người tiêu dùng muốn tìm hiểu thêm thông tin về nó.
Ví dụ bạn có thể nối kết website của mình lên namecard, tờ rơi quảng cáo có thể nối kết một website như Google Maps để
chỉ dẫn hướng đi. Tiện lợi hơn, khi tham dự một buổi hội thảo hay triển lãm, bạn có thể quét mã QR do ban tổ chức cung
cấp để nó dẫn đến một tập tin video hay audio giới thiệu thêm thông tin chi tiết.
Tính khả thi và tiềm năng của mã QR là vô hạn chứ không chỉ gói gọn trong một phạm vi hay lĩnh vực. Bạn sẽ sớm bắt gặp
mã QR hiện diện khắp mọi nơi và đây có thể là cách nhận dạng, truy xuất thông tin mới trong xã hội hiện đại.
Ngoại trừ các dòng máy tích hợp sẵn chức năng quét mã QR như máy chạy Windows Phone, các loại smartphone cần có ứng dụng
quét mã QR cài đặt thêm để sử dụng. Bạn có thể tìm trên kho ứng dụng iTunes hay Google Play Store từ khóa "QR scanner"
để tải ứng dụng quét QR Code cho iPhone hay smartphone Android. Có thể dùng i-nigma cho iPhone hoặc Barcode scanner cho
Android. Nhiều dòng điện thoại di động Nokia (như Lumia) và BlackBerry đã cài đặt sẵn ứng dụng đọc mã QR.
Cách quét mã:
Khá đơn giản, bạn chỉ cần mở ứng dụng quét mã QR, sau đó đưa ống kính camera sau của smartphone/tablet về phía mã QR để
máy nhận dạng. Sau đó click vào đường link đã hiển thị khi quét mã để đến địa chỉ tương ứng.
Công nghệ NFC là gì?
NFC (Near-Field Communications) là công nghệ kết nối không dây tầm ngắn trong khoảng cách dưới 4 cm. Công nghệ này sử dụng
cảm ứng từ trường để thực hiện kết nối giữa các thiết bị (smartphone, tablet, loa, tai nghe,…) khi có sự tiếp xúc trực
tiếp (chạm).
Khi hai thiết bị đều có kết nối NFC, bạn có thể chạm chúng vào nhau để kích hoạt tính năng này và nhanh chóng truyền tập
tin gồm danh bạ, nhạc, hình ảnh, video, ứng dụng hoặc địa chỉ website... Ở các nước phát triển, NFC còn được xem là
chiếc ví điện tử khi có thể thanh toán trực tuyến, tiện lợi và nhanh chóng.